Ngày 03/12/2022, cuộc thi Sáng tạo Thiết kế Áo dài nằm trong chuỗi sự kiện của Lễ hội Áo dài Du lịch 2022 do sở Du lịch Hà Nội đã được tổ chức tại Vườn hoa đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với cuộc thi, thầy cô và sinh viên khoa Thiết kế Thời trang – Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã mang tới chủ đề: “Nghệ thuật phương Tây với áo dài Việt Nam” với 5 bộ sưu tập đầy độc đáo, thú vị và đã đạt được những giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Bộ sưu tập của Nguyễn Trí Long với tên gọi “Sự bứt phá”, đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi.
Bộ sưu tập của Hoàng Ngọc Diện với tên gọi “Tiềm thức” đã giành được giải nhì của cuộc thi.
Ba giải khuyến khích thuộc về 3 bộ sưu tập: BST của Trịnh Thu Giang với tên gọi: “Dòng chảy”; BST của Nguyễn Mai Hương với tên gọi: “Đâm chồi” và BST của Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Phương Thảo với tên gọi: “Dòng chảy đương đại”.
BST “Sự bứt phá”
Bộ sưu tập của Nguyễn Trí Long – sinh viên lớp Dh17ThtD với tên gọi “Sự bứt phá”, đã xuất sắc giành giải nhất của cuộc thi. Sự bứt phá “ dựa theo chủ đề là nghệ thuật phương Tây với áo dài Việt Nam. Bộ sưu tập này được sáng tác dựa trên nghiên cứu về trường phái Siêu Thực và hoạ sỹ điển hình là René Magritte. Theo Nguyễn Trí Long: Áo dài đã trở thành một danh tính chính trị và văn hoá kể từ lúc nó bắt đầu xuất hiện dưới thời các chúa Nguyễn. Ở bộ sưu tập lần này, Nguyễn Trí Long đã giữ nguyên hình dáng của chiếc áo dài truyền thống đó và nhấn mạnh, làm mới chiếc áo dài truyền thống bằng sự thay đổi chất liệu vải bò (jean) của phương Tây. Chiếc áo dài bằng vải bò sẽ mang lại sự phong phú và đầy mạnh mẽ mà không làm mất đi sự duyên dáng, nét kín đáo và nhận ra sự mới lạ, năng động khi người phụ nữ Việt Nam mặc chiếc áo dài vải bò. Trong bộ sưu tập lần này, Nguyễn Trí Long sử dụng thuốc tẩy vải để làm mầu vẽ và vẽ theo phong cách Siêu Thực tạo nên một tinh thần bứt phá ngoạn mục của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đương đại. Cũng như các bà các chị ngày xưa đã từng bị cấm không được đi học và đi thi. Thì ngày nay người phụ nữ Việt Nam đã không ngừng học hỏi, thay đổi và làm mới trong mọi lĩnh vực để tạo lên những kỳ tích và bước lên những bậc thang mới trở thành những cá nhân toả sáng không chỉ trong nước mà được cả thế giới biết đến !!! Nguyễn Trí Long hy vọng bộ sự tập những chiếc áo dài vải jean lần này sẽ trở thành một biểu tượng mới cho những người phụ nữ Việt Nam có ước mơ và biết bứt phá để biến ước mơ của mình thành sự thật.
BST “Tiềm thức”
Bộ sưu tập của Hoàng Ngọc Diện – sinh viên lớp DH18ThtB với tên gọi “Tiềm thức” đã giành được giải nhì của cuộc thi. Hoàng Ngọc Diện chia sẻ: Những tác phẩm hội hoạ siêu thực của hoạ sĩ Max Ernst mang những ý niệm mới khơi gợi cho những sáng tạo này. Bộ suu tập là sự cộng hưởng giữa tà áo dài và những âm vang trong tiềm thức của mình về nghệ thuật. Đào sâu vào những ý niệm về nét đẹp của tà áo dài mình tìm thấy nét tinh tế uyển chuyển trong tà áo dài từ đó truyền tải ra bên ngoài thông qua chất liệu, đường nét mang âm hưởng của dòng tranh thuộc trường phái Siêu Thực. Các kỹ thuật xử lý cũng được kết hợp từ truyền thống như thêu, đính kết đến kỹ thuật Scmocking, dúm vải của phương Tây. Hoàng Ngọc Diện mong muốn mang đến một góc nhìn sáng tạo của nghệ thuật để đưa vào tà áo dài Việt mang tâm hồn của người Việt trẻ.
BST “Dòng chảy”
BST của Trịnh Thu Giang sinh viên của lớp DH18ThtA với tên gọi: “Dòng chảy”. dựa theo chủ dề nghệ thuật phương Tây và áo dài Việt Nam. Bộ sưu tập này được Trịnh Thu Giang sáng tác dựa trên kỹ thuật nhuộm thuỷ ấn hoạ. Kỹ thuật này có nguồn gốc ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ 15. Được người Thổ Nhĩ Kỳ gọi là “nghệ thuật trên mây”. Những người thợ Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng dung dịch nước đặc, tương tự như dung dịch làm sệt ngày nay để có thể nhỏ màu và vẽ trên bề mặt nước. Có thể dùng các dụng cụ sẵn có như bàn chải, lược, que và bút vẽ để tạo hoạ tiết cho bề mặt. Nhuộm thuỷ ấn là một hình thức nhuộm màu cho nhiều chất liệu khác nhau, chủ yếu là giấy và vải, bằng cách thả màu loang tự do trên mặt nước đã làm dày để tạo vân màu ngẫu nhiên. Trước khi nhúng vải vào mặt nước, cần phải xử lý vải với dung dịch phèn chua hoặc chất cầm màu để sau khi nhúng vải vào bề mặt màu, màu sẽ bám vào bề mặt vải lâu hơn. Vẽ tranh trên mặt nước đòi hỏi tính sáng tạo cao phải khéo léo và điều chỉnh tốc độ vẽ, kiểm soát được những đường nét vì chúng chuyển động trên mặt nước. Những hoạ tiết được tạo ra từ kỹ thuật này rất độc đáo và trừu tượng, biểu cảm. Mỗi bản nhuộm là một màn trình diễn riêng, một ấn bản nghệ thuật riêng. Với kỹ thuật nhuộm thuỷ ấn này, Trịnh Thu Giang muốn đưa vào bộ sưu tập “Dòng chảy” của mình với những gam màu sặc sỡ và bắt mắt như cam san hô, xanh cổ vịt và màu xanh lá cũng giống như những màu sắc tuyệt vời của thiên nhiên. Tạo ra những đường chuyển động uyển chuyển và ngẫu nhiên khiến cho người nhìn có thể cảm nhận được sự mềm mại của dòng nước.
BST “Đâm chồi”
BST của Nguyễn Mai Hương sinh viên lớp Dh17ThtA với tên gọi: “Đâm chồi” được sáng tác dựa trên nghiên cứu về trường phái nghệ thuật Art Nouveau. Art Nouveau là một trường phái nghệ thuật quốc tế khởi nguồn từ Châu Âu phổ biến vào đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nổi bật với phong cách lãng mạn, mang vẻ đẹp chuẩn mực, cầu kì về trang trí và tạo hình. Tiền thân của Art Nouveau là trào lưu nghệ thuật Art And Craft, vì vậy trào lưu này ảnh hưởng bởi kỹ thuật thủ công truyền thống làm tăng tính độc đáo, khác biệt cho sản phẩm. Art Nouveau thể hiện dưới hai dạng hữu cơ và hình học, sắp xếp bố cục dưới dạng mảng và nét 2D, phát triển thành thiết kế thanh lịch kết hợp các dạng tự nhiên, những đường cong tròn, cua gấp và những đường trang trí mang tính nhịp điệu chảy liên tục giống như những hình thức tự nhiên như dây leo, hoa. Đối với Nguyễn Mai Hương, Art Nouveau gợi lên hình ảnh người phụ nữ với mái tóc dài, kiều diễm, duyên dáng và vô cùng nữ tính. Do đó, Nguyễn Mai Hương muốn mang hình ảnh ấy vào trong các thiết kế của mình. Trên nền áo dài phom truyền thống thướt tha, uyển chuyển là những hoạ tiết cách điệu từ thực vật giống như những hạt giống đâm chồi, nảy lộc, vươn lên. Kỹ thuật chính được sử dụng cho bộ sưu tập này là kỹ thuật đính cườm và kim sa.
BST “Dòng chảy đương đại”
BST của Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Phương Thảo – sinh viên lớp ThtC DH16 và ThtD DH16 có tên gọi: “Dòng chảy đương đại”. Chất liệu sáng tác chính từ áo dài Việt Nam – bộ trang phục mang nét đẹp văn hóa cổ truyền và tính thẩm mỹ tinh tế – và chủ đề về nghệ thuật Phương Tây – sự tiếp biến các nét đẹp văn hóa mới – để phát triển sáng tạo. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ hội họa trừu tượng biểu hiện và các đường nét của các tác phẩm nghệ thuật đương đại, sử dụng các tông màu kinh điển và nguyên bản như đỏ, xanh cô ban vốn hiện hữu thường trực trong các tác phẩm hội họa của các nghệ sĩ trừu tượng biểu hiện như Mark Rothko và Barnett Newman. Ấn tượng trước phong cách mới lạ và cảm giác choáng ngợp với những trường màu sắc nguyên bản giàu cảm xúc, những ý niệm nhiều phức cảm mang đến cho người xem, Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Phương Thảo hiện hữu hóa qua các thiết kế thời trang với các cây màu nguyên bản xuyên suốt mỗi bộ, tạo cảm xúc thị giác mạnh mẽ với màu đỏ đậm và màu xanh cô ban. Chất liệu óng ả với các nếp gấp, các độ chuyển tiếp với tỷ lệ năng động thay đổi với mỗi góc mà ánh sáng soi vào cũng tạo nên những vẻ đẹp tự nhiên mà hữu ý bởi các sắc độ khác nhau của cùng một màu sắc. Kỹ thuật mà Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Phương Thảo sử dụng chính là sự thay đổi cấu trúc truyền thống của áo dài bằng cách dựng mẫu 3D thủ công trên mannequin, bằng cách tiếp biến và biến đổi từ cấu trúc truyền thống của áo dài Việt Nam, kết hợp với cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc đương đại của Nghệ sĩ Jacob Burmood, các đường cong và uốn lượn ngẫu nhiên của vải được drape với các tỷ lệ hài hòa và được nhấn mạnh hơn bởi các màu sắc mạnh mẽ, các đường vải nếp vải mềm chạy tự nhiên và hội tụ tạo các điểm nhấn mới trên hình bóng cắt cơ bản của áo dài truyền thống. Các đặc điểm của áo dài cổ truyền được lấy và biến đổi như phần thân áo dài được drape trực tiếp với vành mũ hoodie hiện đại, hoặc chiếc nơ điệu đà, phần tay áo giắc lăng được chuyển tiếp thành một cấu trúc mới, cổ áo được biến đổi kết hợp với hình ảnh chiếc cổ gập phương tây tạo nên cách xử lý khác lạ. Tà áo dài đặc trưng lay động theo mỗi bước chân cũng được làm mới với các cấu trúc trong ngoài.Việc phát triển nét đẹp cổ truyền của chiếc áo dài qua việc tiếp biến các giá trị thẩm mỹ của hội họa và điêu khắc phương Tây là một góc nhìn mới mẻ mà Nguyễn Thu Huyền và Nguyễn Phương Thảo muốn thử nghiệm và truyền tải, với mong muốn có thể truyền bá giá trị văn hóa tinh thần tới giới trẻ hiện nay và các bạn bè du khách thế giới.
Thầy và trò trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chụp ảnh lưu niệm tại Cuộc thi