Ngày 03/10/2019, tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp tổ chức Hội thảo – Tọa đàm Toàn quốc chủ đề: “Đổi mới chương trình đào tạo Mỹ thuật ứng dụng gắn với thực tiễn của xã hội”. Hội thảo – Tọa đàm là sự kiện khoa học lần thứ 5 của CLB khối các trường Mỹ thuật ứng dụng và cũng là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Tham dự Hội thảo, về phía lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.
Về phía lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học,Cao đẳng Việt Nam có ông Nguyễn Đăng Khoa – Chánh Văn phòng; ông Nguyễn Hải Long – Trưởng ban Công tác sinh viên; ông Phạm Ngọc Lan – Phó ban Tổ chức và Phát triển.
Về phía CLB Khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng có các thành viên Ban chủ nhiệm CLB: PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Chủ nhiệm CLB. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Trưởng khoa Design Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Phó chủ nhiệm CLB. ThS Lê Thị Thu Hương – Phó trưởng Khoa Kiến trúc Trường Đại học Đà Nẵng- Phó chủ nhiệm CLB, cùng các ủy viên Ban chủ nhiệm CLB.
Đặc biệt, Hội thảo còn có sự hiện diện của các đại biểu là lãnh đạo trên 30 các trường, các khoa đào tạo lĩnh vực MTƯD toàn quốc tới tham dự; các nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực MTƯD…
Về phía Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp – Đơn vị đăng tổ chức Hội thảo có PGS.TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách, ThS Trần Bá Tăng – Phó Bí thư Đảng ủy cùng các cán bộ lãnh đạo Khoa, Phòng, Ban, giảng viên, sinh viên trong Trường.
Mở đầu Hội thảo, sau Lời chào mừng Hội nghị – Tọa đàm của PGS.TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng phụ trách, đại diện đơn vị đăng cai là phát biểu khai mạc Hội thảo của PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị – Chủ nhiệm CLB.
Hội nghị – Tọa đàm đã tiến hành dưới sự chủ tọa của Ban chủ nhiệm CLB gồm PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị- Chủ nhiệm CLB; TS Đỗ Lệnh Hùng Tú- Phó chủ nhiệm CLB; ThS Lê Thu Hương – Phó chủ nhiệm CLB điều hành chương trình Hội thảo.
Hội thảo đã được nghe các ý kiến tham luận của các nhà khoa học, các thày cô giáo, các doanh nghiệp tập trung vào những nội dung:
- Đánh giá thực trạng đào tạo Mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam hiện nay.
- Cách thức thi tuyển đầu vào của các trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng như hiện nay có còn phù hợp? Nên đổi mới cách thi tuyển theo cách chú trọng đánh giá năng lực tu duy sáng tạo hay không?
- Nhiều ý kiến của người học cho rằng thời gian hoàn thành khóa học 5 năm hiện nay là quá dài, có nên rút ngắn thời gian đào tạo các ngành Mỹ thuật ứng dụng xuống 3.5 đến 4 năm?
- Đa số chương trình đào tạo được xây dựng từ nhiều năm trước đây nên một số môn học ít nhiều không còn phù hợp.
- Tỷ trọng thời lượng các môn học, học phần gần với hội họa còn lớn, có nên giảm tải?
- Khối kiến thức cơ sở ngành (những môn Mỹ thuật Cơ sở) tại các trường hiện nay do chương trình được xây dựng từ nhiều năm trước nên mang nặng tính hội họa.
- Sự khác biệt giữa họa sỹ và Designer, sự khác biệt giữa chương trình đào tạo họa sỹ và đào tạo Designer.
- Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công cụ, máy móc đã trở thành công cụ thay thế giúp ích to lớn cho các nhà thiết kế khi thể hiện. Việc thực tập chuyên ngành có cần thiết phải thay đổi? Giảm việc thực tập kỹ năng thể hiện mà tăng cường thực tập môi trường làm việc? Tăng thời lượng thực tập để sinh viên làm việc với kỹ sư, thợ kỹ thuật tại các doanh nghiệp có thực sự hơn?
- Giải pháp nào khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, sao chép trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng?
- Việc phân ngành – chuyên ngành, khối ngành các môn Mỹ thuật ứng dụng chủ yếu dựa trên chương trình đào tạo của Liên Xô và các nước Đông Âu trước kia có còn phù hợp với hiện tại?
- Cách thức phân ngành – chuyên ngành như thế nào cho linh hoạt?
- Vì sao các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng ở nước ta hiện nay chưa chú trọng đào tạo ngành Thiết kế Công nghiệp, vốn là mũi nhọn của Mỹ thuật ứng dụng, là một ngành hết sức phát triển ở các nước công nghiệp?
- Giải pháp nào để thu hút người học đối với các ngành truyền thống mang tính đặc thù, chuyên sâu, hiện không có nhiều người theo học.
- Trước đây, Mỹ thuật ứng dụng được coi là đào tạo tinh hoa, chương trình được xây dựng theo hướng đào tạo số lượng ít mà tinh, thời gian dài và kỹ lưỡng. Hiện tại, đào tạo mỹ thuật ứng dụng đang mở rộng, chương trình đào tạo có nên thay đổi theo xu hướng đào tạo đại trà?
- Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang có nhiều chương trình đa dạng, phong phú: đào tạo đại trà, đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao…Mỹ thuật ứng dụng có phù hợp với các thức đào tạo đó hay không?
- Việc liên kết đào tạo với nước ngoài được các khối ngành kỹ thuật, kinh tế, y dược…thực hiện hết sức thành công không khi khối ngành Mỹ thuật ứng dụng còn hết sức hạn chế. Giải pháp nào để khắc phục thực trạng trên?
- Chuẩn đầu ra được các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng công bố còn chung chung, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực thiết kế trình độ cao. Vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên Mỹ thuật ứng dụng?
- Giải pháp nào để các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ứng dụng tiến hành tự chủ khi yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy có tính đặc thù cao, đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn.
Hội thảo cũng đã được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo, đánh giá, ghi nhận kết quả Hội thảo đã đạt được của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, ông Nguyễn Đăng Khoa – Chánh Văn phòng Hiệp Hội.
Kết thúc phần tham luận, thay mặt chủ tọa đoàn, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị – Chủ nhiệm CLB tổng kết các ý kiến về sự cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo của đại biểu tham gia viết bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo và các tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo. PGS cảm ơn các đại biểu đã có những bài phát biểu thẳng thắn, nhìn thẳng vào những khó khăn, bất cập mà chương trình đào tạo Mỹ thuật ứng dụng đang gặp phải, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp hết sức cụ thể, khả thi. Những giải pháp đó sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn trong đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, trong việc gắn kết với thực tiễn phát triển của xã hội. Đó là những hướng đi mới trong công tác đào tạo Mỹ thuật ứng dụng thời gian tới.
Theo kế hoạch trong năm 2020 của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và hoạt động của CLB Khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng, ông Nguyễn Hải Long – Trưởng ban Công tác sinh viên đã trao cờ đăng cai Hội thảo cho PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Q. Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng tại Hội thảo, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cũng đã chỉ đạo bầu Ban Chủ nhiệm CLB khối trường đào tạo Mỹ thuật ứng dụng nhiệm Lần thứ hai là những thành viên thuộc các trường: Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Trường Đại học Mở Hà Nội; Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế); Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng); Trường Đại học Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.
Để tri ân những đóng góp đã đạt được của Ban Chủ nhiệm CLB nhiệm kỳ Lần thứ nhất, ông Phạm Ngọc Lan – Phó ban Tổ chức và Phát triển thay mặt Hiệp hội tặng hoa PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị – Nguyên Chủ nhiệm CLB và tặng hoa PGS.TS Đặng Mai Anh đại diện thành viên CLB nhiệm kỳ mới.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp.