Ngày 06 tháng 4 năm 2018, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Mỹ thuật ứng dụng với thiết kế mẫu sản phẩm trong làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các họa sỹ giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và các trường đại học khác có đào tạo Mỹ thuật ứng dụng cùng các nghệ nhân làng nghề đến từ các cơ sở sản xuất thủ công trong nước.
Hội thảo được chủ trì bởi: Ông Lưu Duy Dần- Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, PGS. TS Đặng Mai Anh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho biết: Các làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước và nâng cao đời sống nhân dân. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: thủ công mỹ nghệ nước ta yếu nhât ở khâu chưa tạo ra được kiểu dáng mẫu mới. Khảo sát chỉ ra rằng, khi mà thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển ngày càng bão hoà với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ càng phải đưa ra mẫu mã mới thì mới thoả mãn nhu cầu của khách hàng và tạo ra được sức cạnh tranh. Những năm trước đây, hàng thủ công mỹ Việt Nam rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng do có mẫu mã mới lạ và giá thành hợp lý nhưng nay sức hấp dẫn đã bị giảm do mẫu mã không có sự thay đổi. Và để khẳng định vị trí của thủ công mỹ nghệ nước ta trên thương trường thì công tác thiết kế mẫu mới có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao cho sản phẩm của mỗi doanh nghiệp, mỗi làng nghề cần phải được coi trọng.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Xuân Nghị khẳng định: Với bề dày truyền thống gần 70 xây dựng và phát triển, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là trường đại học đào tạo đầu ngành về mỹ thuật ứng dụng. Trường có kinh nghiệm đào tạo về lĩnh vực thiết kế như: Ngành thiết kế Gốm, Hội họa Sơn mài, Thiết kế Trang sức, Thiết kế Kim loại, Thiết kế Thuỷ tinh, Trang trí Dệt, Điêu khắc, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ chơi, Thiết kế công nghiệp… Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm và lực lượng sinh viên các khoa chuyên ngành thâm nhập thực tế đến càng làng nghề thủ công mỹ nghệ… Đây chính là yếu tố căn cốt làm chuyển đổi giá trị sản phẩm của làng nghề, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhu cầu thẩm mỹ của cuộc sống đương đại, truyền thống và hiện đại. Từ những vấn đề thực tiễn trên, “Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sẽ vào cuộc cùng làng nghề, nghệ nhân và doanh nghiệp một cách quyết liệt để tạo một luồng gió mới cho hang thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước trong thời gian tới”.
Tại buổi hội thảo, Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng trong thiết kế mẫu mã đối với sự phát triển của các làng nghề hiện nay. Thực trạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn nghèo nàn cũng là một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất của các làng nghề chậm phát triển. Ông nhận định: Sản phẩm làng nghề truyền thống phải tận dụng được tinh hoa công nghệ truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới tiên tiến. Đặc biệt, mẫu mã sản phẩm nghề truyền thống phải được thiết kế phù hợp tổ chức sản xuất hàng loạt, nâng cao năng xuất, đáp ứng thẩm mỹ và nhu cầu tiêu thụ lớn ở thị trường trong và ngoài nước… Từ những vấn đề trên, ông Lưu Duy Dần đánh giá cao sự phối kết hợp giữa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với các làng nghề, nghệ nhân trong thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng được xu thế tiêu dùng tất yếu của thời đại cộng nghệ 4.0 hiện nay.
Tại cuộc hội thảo, vấn đề thiết kế mẫu, nâng cao chất lượng hàng thủ công Việt Nam được đưa ra với nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá của giới chuyên môn, những người có thâm niên hoạt động trong nghề. Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày các sản phẩm thủ công cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của những người tham dự.